Tin tức

Nhân Ngày Chiến thắng 9-5: CẢM XÚC VIẾT TỪ ĐỒI MAMAEV

Có lẽ khi đặt chân lên những bậc thang đầu tiên trong số 200 bậc thang – tượng trưng cho 200 ngày đêm của trận chiến Stalingrad, dẫn tới quần thể tượng đài kỳ vĩ trên đồi Mamaev ở Volgograd, được xây dựng để tưởng nhớ những người anh hùng trong trận chiến Stalingrad, nơi được coi là ngôi mộ tập thể linh thiêng của hàng triệu người đã ngã xuống trong cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, bạn sẽ được trải nghiệm những cảm xúc khác nhau – nỗi buồn, sự tiếc thương, niềm tự hào…Và chắc hẳn trên tất cả là lòng khâm phục  sự hy sinh cao cả của những người lính năm ấy - những người đã ngã xuống để tạo nên tượng đài chiến thắng, để cho chúng ta có cơ hội được chiêm ngưỡng, được trải nghiệm những cảm xúc tuyệt vời, giúp khơi dậy trong mỗi con người mong ước sống tốt hơn, biết chia sẻ, biết cảm thông nhiều hơn và trên hết là để hiểu rõ hơn thế nào là sự hy sinh cao cả.

Ở nước Nga hôm nay có biết bao nhiêu ngọn lửa vĩnh cửu vẫn đang cháy, nhưng có thể nói ngọn lửa mỗi ngày tỏa sáng trong gian phòng Vinh danh chiến sĩ trên đồi Mamaev để lại trong tôi ấn tượng đặt biệt nhất. Bước vào gian phòng, hình ảnh đầu tiên mà bạn thấy là một bàn giương cao ngọn lửa chiếu sáng bức tường với 34 lá cờ rủ ghi danh 7200 chiến sĩ đã anh dũng hy sinh trong trận Stalingrad. Những lá cờ bằng đá đỏ ấy vẫn rủ xuống một cách đau buồn, ghi nhận sự tri ân của những người đang được sống trong hòa bình hôm nay mong muốn mãi mãi được để tang tưởng nhớ những con người đã hy sinh vì Tổ quốc. Trong tâm thức của người dân Nga, ngọn lửa chính là biểu tượng của cuộc sống mà những chiến sĩ Hồng quân năm xưa, những người biết mình đang đến với cái chết, đang vào sinh ra tử trong trận chiến Stalingrad, trao lại cho họ với lời nhắn gửi:  cuộc sống mà bạn đang sống hôm nay đã phải đánh đổi bằng mạng sống, bằng sự hy sinh cao cả của những người lính năm xưa. 

Thật xúc động khi bước đi trên hành lang dốc chạy men theo bức tường cong trong tiết tấu trầm buồn, day dứt của bản nhạc “Khúc hồi tưởng” của nhạc sĩ nổi tiếng người Đức Robert Schuman. Khi dừng lại, bạn có thể đọc được rõ ràng họ tên và cấp bậc của những chiến sĩ đã hy sinh được khắc trên những lá cờ rủ làm bằng loại kính đặc dụng màu đỏ: Abasov M.A – Thượng úy, Abasin I.P – Binh nhì, Abrazon B.E – Chính trị viên trưởng… Tôi đã cố gắng đọc và ghi nhớ những cái tên như thế, nhưng nước mắt đã khiến cho những chữ cái cứ nhòa dần khiến tôi chẳng còn nhìn thấy gì nữa. Những lá cờ rủ với những dòng tên như thế gợi tôi nhớ tới cha mình – một trong số hơn 1 triệu liệt sĩ Việt Nam đã hy sinh trong cuộc chiến tranh chống Mỹ của đất nước chúng ta, tên của ông cũng được khắc trên tấm bia đá đặt tại một đài liệt sĩ nhỏ nằm ở quận Ba Đình, Hà Nội. Những chiến sĩ Hồng quân như thượng úy Abasov, binh nhì Abasin, chính trị viên trưởng Abrazon… hay những liệt sĩ Việt Nam như cha tôi và nhiều người lính khác nữa đều đã hy sinh mạng sống vì mục đích cao cả - bảo vệ đất nước. Trung tướng A.V.Maklakov, Chủ tịch Hội cựu chiến binh Volgograd, khi trả lời phỏng vấn các phóng viên Việt Nam, đã nói: Cuộc chiến tranh nào cũng như nhau, cho dù đó là cuộc chiến tranh bảo vệ nền độc lập của nhân dân Việt Nam hay cuộc Chiến tranh Vệ quốc của chúng tôi, đều có sự hy sinh, mất mát. Và thiết nghĩ điều quan trọng ở đây là thái độ của những người đang sống, họ rút ra được điều gì khi suy ngẫm về sự hy sinh cao cả để có cuộc sống bình yên, hạnh phúc hôm nay.

Xin hãy đọc dòng tự sự vô cùng cảm động ghi trên dải băng chiến thắng kẻ sọc màu vàng-đen được khắc phía trên những lá cờ rủ trong gian phòng Vinh danh chiến sĩ: “Vâng, chúng tôi chỉ là những con người bình thường, và ít ai trong số chúng tôi có thể còn sống sót, nhưng tất cả chúng tôi đã thực hiện nghĩa vụ yêu nước của mình trước Mẹ Tổ quốc thiêng liêng”. Thử hỏi, kẻ thù nào có thể giành được chiến thắng khi phải đối mặt với những người lính quả cảm với tấm lòng yêu nước vô bờ bến như thế?

Không phải ngẫu nhiên mà quần thể tượng đài trên đồi Mamaev với trung tâm là bức tượng Mẹ Tổ quốc kêu gọi được công nhận là một trong 7 kỳ quan của LB Nga. Mỗi bức tượng, mỗi cấu trúc, mỗi chi tiết dù nhỏ nhất trong quần thể tượng đài Tưởng nhớ những người anh hùng của trận chiến Stalingrad trên đồi Mamaev đều nói lên một điều gì đó mang ý nghĩa tri ân sự hy sinh cao cả của những người lính. Nhưng ở đây không chỉ những người lính phải hy sinh. Trong chiến tranh, những người mẹ, người vợ, những đứa con…, mỗi người cũng đều phải hy sinh theo cách này hay cách khác. Chẳng có bà mẹ nào muốn nhìn thấy con mình phải chết. Vậy mà người mẹ Liên Xô của những năm 40 ấy đã vì Tổ quốc mà kêu gọi những đứa con của mình xung trận, cho dù trong sâu thẳm lòng mình mẹ biết rằng con có thể không bao giờ trở về với mẹ được nữa. Câu chuyện này gợi tôi nhớ tới những bà mẹ Việt Nam anh hùng - những bà mẹ đã vĩnh viễn mất đi những đứa con của mình trong cuộc chiến tranh bảo vệ nền độc lập của nước nhà. Rồi còn những đứa con mất cha, những người vợ mất chồng giống như mẹ tôi đã mất cha tôi và suốt đời bà đã ở vậy một mình nuôi các con không lớn. Có biết bao nỗi mất mát, có biết bao sự hy sinh trong chiến tranh, cho dù là ở đất nước Nga hay đất nước Việt Nam, mà không giấy mực nào có thể kể hết được. 

Nhân Ngày Chiến thắng 9-5: CẢM XÚC VIẾT TỪ ĐỒI MAMAEV

 
                                     H1.Tượng của hai người mẹ trên đồi Mamaev

Nếu tới thăm đồi Mamaev,  bạn hãy thử một lần quan sát thật kỹ bức tượng của hai người mẹ: Một người mẹ hùng dũng với thanh kiếm trong tay kêu gọi các con xung trận và một người mẹ khác với nét mặt vô cùng đau khổ ôm trong lòng đứa con đã chết vì trúng đạn của kẻ thù. Vâng, mẹ đã biết trước có thể sẽ có kết cục đau buồn như thế, nhưng mẹ vẫn dũng cảm đối mặt với sự thật bởi mẹ hiểu rằng vì Tổ quốc, mẹ và con của mẹ sẵn sàng đánh đổi cả mạng sống của mình. 

Mỗi ngày, có biết bao người từ khắp nơi trên thế giới đến với đồi Mamaev và đặc biệt vào dịp mồng 9-5 – Ngày Chiến thắng phát xít Đức, dòng người đổ tới đây càng đông hơn. Người dân Volgograd coi Đồi Mamaev là địa điểm thân thương nhất, là niềm tự hào đối với họ. Cô dâu chú rể tới đây trong ngày cưới, đứng dưới tượng đài Mẹ Tổ quốc để chụp ảnh ghi lại khoảnh khắc đáng nhớ trong cuộc đời mình. Các cựu chiến binh tới đây để gặp gỡ, ôn lại quá khứ hào hùng. Học sinh, sinh viên, thanh niên coi Đồi Mamaev là địa điểm lý tưởng để gặp gỡ. Có điều thú vị là chẳng biết từ bao giờ, bà con cộng đồng người Việt có thói quen gọi Đồi Mamaev bằng cái tên thân thương: “Đồi máma” (Đồi Mẹ). Và với họ, Đồi Mẹ cũng là niềm tự hào, là chốn linh thiêng và là nơi để họ gặp gỡ trong những sự kiện đặc biệt của cuộc đời.

Ở Liên Xô-Nga cũng như ở Việt Nam đã từng có một thời người ta đã sống với lý tưởng cao cả như vậy. Đối với thế hệ xa xưa ấy, sự hy sinh cao cả để thực hiện lý tưởng cũng là lôgich bình thường. Cũng nhờ có lý tưởng và sự hy sinh cao cả đó mới có Ngày Chiến thắng hôm nay. Ngày Chiến thắng mồng 9-5 của nhân dân Nga được người Việt Nam chúng ta coi như Ngày Chiến thắng của chính mình. Xin hãy đừng quên những mất mát đau thương chiến tranh trong quá khứ, xin hãy mở rộng lòng tri ân, bởi sống với thái độ biết tri ân chính là chìa khóa giúp bạn mở cánh cửa bước vào cuộc sống mà trong đó nhất định sẽ có những điều tốt lành nhất đang chờ bạn ở phía trước. Và tôi muốn kết thúc bài viết bằng những câu thơ đầy ý nghĩa mà  nhà báo của TTXVN Vũ Đức Tân, cựu sinh viên của Trường ĐH Tổng hợp Lomonoxov, đã viết nhân Ngày Chiến thắng 9-5-2013:

Nửa đêm tôi thức giấc bàng hoàng

những cánh rừng bạch dương đang khóc,

nước mắt tràn suối, sông, mặt đất,

chi chít sao trên nóc những chóp vàng.

Ngày Chiến thắng gặp bao gian nan

mỗi thân người là một cột mốc,

định an ủi cây rừng nhưng tôi cũng rơi nước mắt,

khi ra đi ai cũng mang hy vọng trở về./.

Nhân Ngày Chiến thắng 9-5: CẢM XÚC VIẾT TỪ ĐỒI MAMAEV

 
H2. Bức tường phù điêu "Sự đổ nát" chạy dọc cầu thang dẫn lên đồi Mamaev 

http://baonga.com/FileUpload/Images/bameokgui_resize.jpg" > 

Nhân Ngày Chiến thắng 9-5: CẢM XÚC VIẾT TỪ ĐỒI MAMAEV


H4 Tượng đài Mẹ Tổ quốc kêu gọi 

Nhân Ngày Chiến thắng 9-5: CẢM XÚC VIẾT TỪ ĐỒI MAMAEV
 

Nhân Ngày Chiến thắng 9-5: CẢM XÚC VIẾT TỪ ĐỒI MAMAEV

H5,6. Nhóm tượng đài các chiến sĩ chiến đấu trong trận Stalingrad

Nhân Ngày Chiến thắng 9-5: CẢM XÚC VIẾT TỪ ĐỒI MAMAEV
   
H8.Bà con cộng đồng người Việt ở Volgograd luôn coi Đồi Mamaev là niềm tự hào của chính mình
Nhân Ngày Chiến thắng 9-5: CẢM XÚC VIẾT TỪ ĐỒI MAMAEV
 
H9.Cô dâu chú rể chụp ảnh kỷ niệm bên tượng đài Mẹ Tổ quốc
Nhân Ngày Chiến thắng 9-5: CẢM XÚC VIẾT TỪ ĐỒI MAMAEV

    
  H10. Ngọn lửa vĩnh cửu và những lá cờ rủ trong gian phòng Vinh danh chiến sĩ

                                                                                     Theo Baonga.com           Bài và ảnh: Hải Hà