Những cánh đồng hoa thời vụ luôn đem lại cảm xúc mãnh liệt cho khách du lịch. Tuy nhiên, việc đau đầu để tìm ra một loài hoa phù hợp với vùng miền khí hậu đã không lạ gì với các khu du lịch xanh. Có thể nói, đầu tư vào cây xanh vừa rẻ, vừa hiệu quả về mặt thẩm mỹ và thu hút nhiều người có nhu cầu đến check- in, tham quan.
Trước khi trồng hoa trên diện tích lớn, bạn phải chú ý các điểm sau:
- Phải có điểm nhìn trên cao xuống diện tích sẽ trồng hoa;
- Đối với khu vực đồi núi thì trồng trên triền đồi, lối đi phía dưới nhìn lên sẽ dễ đẹp hơn,
- Phải có hậu cảnh xung quanh như núi đồi, rừng cây, công trình... làm cho cánh đồng hoa có thể nổi lên.
- Điểm nhìn trên cao ra thung lũng rất hấp dẫn cho khách chụp ảnh.
- Nên có thêm các công trình kiến trúc như chòi cao, xích đu, cổng, nhà gỗ, guồng quay nước, cối xay gió...để cánh đồng hoa thêm hấp dẫn.
Dưới đây, Lộc Tùng sẽ gợi ý cho các bạn về thời gian trồng, kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch các loại hoa thời vụ trên cánh đồng.
- Thời gian ra hoa: Thường các loại hoa sẽ có thời gian sinh trưởng và phát triển trong 2- 3 tháng, vì vậy, nhờ vào thời gian nở hoa ta có thể tính toán được thời gian gieo hạt.
-
Tháng 11 năm trước đến tháng 4 năm sau:
Mùa này đang là mùa lạnh tại miền Bắc nước ta, nên rất thích hợp trồng các loại cây có nguồn gốc ôn đới, thêm vào đó rơi trúng vào thời điểm Tết Nguyên Đán- một trong những dịp lễ lớn trong năm của Việt Nam.
Ngoài các loại cây bụi, thảm truyền thống mà Tết nào ta cũng thấy như: các loại cúc, trạng nguyên, thược dược …thì trong một vài năm gần đây là các loại như: dạ yến thảo, ngọc thảo, mai địa thảo, xác pháo... đang được ưa chuộng khá nhiều. Thường các loại như: dạ yến thảo, ngọc thảo thường được xuống giống( trồng cây con) vào trước sự kiện khoảng 1.5- 2 tháng để đảm bảo chất lượng hoa.
Đối với các loại cúc, thược dược thời gian xuống giống khoảng giữa tháng 11 hằng năm và thời điểm tết khoảng giữa tháng 1, đầu tháng 2.
Với các khu check in có diện tích lớn muốn trồng túy diệp, mãn đình hồng, cúc cosmos, tam giác mạch. được sử dụng rất nhiều và đem đến hiệu quả khá tốt. Các loại này trồng trên diện tích lớn thường trồng bằng hạt và thời gian lâu hơn so với việc trồng bằng cây, vì vậy thời gian ra hoa có thể lên đến 3 tháng.
Vào thời điểm dịp lễ 30- 4, mùng 1-5, các loại hoa kể trên vẫn có thể trồng trước ngày này khoảng 2 đến 2.5 tháng để sử dụng trong dịp lễ. Ngoài ra, ta có thể trồng thêm 1 số loại như: cúc bách nhật, sao băng…
Tháng 4- tháng 7: mùa nắng nóng trong năm.
Mùa này đặc trưng với thời tiết nắng nóng, mưa rào, vì vậy, ưu tiên lựa chọn các loại hoa có thân cứng cáp, sức chống chọi với điều kiện tự nhiên tốt.
Các loại hoa ra hoa mùa này có thể kể đến gồm có: cúc ngũ sắc tím, vàng rủ, violet nhật, cúc cánh bướm vàng, ngoài ra dừa cạn cũng là loại cây nở rộ vào mùa hè và có thể ra hoa quanh năm. Không thể không kể đến những thảm hoa mười giờ nở hoa rực rỡ khắp con đường làng. Những bông cẩm tú cầu, hướng dương cũng đang khoe sắc vào mùa này. Tuy nhiên cẩm tú cầu sẽ được trồng vào khoảng thời gian tháng 1 để phục vụ ra hoa vào tháng 4 đến tháng 5.
Thời gian này là khoảng nắng nóng trong năm, vì vậy việc gieo trồng gặp khá nhiều khó khăn, tuy nhiên, có thể che chắn cây nhỏ bằng lưới đen để hạn chế ánh sáng. Tốt nhất nên chọn các loại giống có khả năng chịu nắng tốt và gieo vào khoảng t4-5 khi thời tiết còn chưa khắc nghiệt.
Tháng 8- tháng 11:
Đây có thể là mùa dễ chịu nhất trong năm, rất thích hợp cho việc đi chơi, tham quan. Vì vậy thường thấy mùa này các khu vui chơi, check in thường trồng rất nhiều hoa vào giai đoạn này.
Hoa dã quỳ nở vào khoảng giữa tháng 11 khi thời tiết bắt đầu có một ít lạnh. Các đồi hoa dã quỳ lúc nào cũng thu hút rất nhiều người bởi màu sắc hoa rực rỡ.
Nhắc đến mùa thu, chúng ta không thể không nhắc đến loại hoa cúc: cúc chi, cúc vàng, thạch thảo, họa mi. Các loại này thường được trồng bằng mầm cách đó khoảng 2-3 tháng trước khi sự kiện được tổ chức.
- Cách trồng:
Gồm có 2 hình thức trồng:
Gieo hạt: áp dụng đối với các loại hoa thu được hạt, gieo trồng trên 1 diện tích lớn.
Trồng bằng cây mua sẵn: cách này khá tiện, nhanh, có hiệu quả về mặt thẩm mỹ luôn, tuy nhiên, không chủ động được số lượng, chủng loại cây.
Các bước trồng bằng hạt hay trồng bằng cây đều giống nhau ở các bước chuẩn bị.
Bước 1: Chuẩn bị đất.
Sau khi đã xác định được khu vực trồng, ta cần làm sạch cỏ dại, chất thải rắn, nhựa. Bổ sung thêm phân hữu cơ để giúp cho cây sau khi ổn định bộ rễ sẽ có dinh dưỡng để chuyển lên nuôi cây. Đối với vùng đất mới, cần thêm thuốc nấm cho đất. Đất trồng tốt nhất là đất tơi xốp, nếu trong điều kiện đất đồi, có thể trộn thêm trâú hun hoặc các thành phần mùn khác giúp cho đất tơi xốp hơn. Cần phải đánh rãnh, đánh dốc địa hình để giúp thoát nước tốt hơn khi trời mưa.
Đánh luống: Luống đảm bảo yêu cầu rộng khoảng 1m- 1m2 cao 20- 30cm để tránh bị dẫm trong quá trình khách vào tham quan. Khoảng cách giữa các luống khoảng 50- 60cm. Đối với các loại hoa thấp dưới 20cm như hoa tóc tiên, sẽ trồng thành một thảm lớn, không có lối tiếp cận vào trong, và chỉ đi xung quanh luống.
Luống trồng song song với đường đồng mức phục vụ công tác cấp thoát nước.
- Đối với trồng bằng hạt: băm đất nhỏ, bón lót bằng phân hữu cơ.
- Trồng bằng cây: không cần băm hết toàn bộ diện tích đất, chỉ cần đào hố chỗ cần trồng.
Bước 2: Chuẩn bị hạt giống, cây giống.
- Đối với các loại hạt, cần phải ngâm với nước tỉ lệ 3 sôi 2 lạnh trong khoảng 2-3 tiếng, sau đó có thể ủ đến khi nứt nanh vỏ có thể mang đi rải.
Bước 3: Trồng cây
- Đối với hạt: cần rải hạt, có thể rắc thêm 1 lớp phân hữu cơ để bón lót, và để giữu mầm cố định tại vị trí.
- Đối với cây: bóc bầu cây và đặt xuống đất. Lưu ý: trồng cây không quá sâu, không quá nông, mặt bầu cây sau khi trồng dưới mặt đất trồng khoảng 4-5cm.
- Chăm sóc.
Sau khi hạt đã được gieo, cần tưới nước đầy đủ để cung cấp đủ ẩm cho hạt có thể nảy mầm. Cũng giống như hạt, cây sau khi được trồng cũg cần bổ sung rất nhiều nước để hồi phục lại cây.
Tưới nước cần tưới vào những lúc còn ánh nắng mặt trời để cây có thể lấy nước phục vụ các hoạt động của cây như quang hợp được tốt hơn.
Phân bón: thời gian đầu cũng cấp các loại phân tổng hợp có thành phần N chủ yếu để cho lá, cành phát triển, tuy nhiên đến giải đoạn ra hoa, cần bổ sung kali để giúp hoa sai hoa hơn, hoa đẹp hơn.
Sâu bệnh: cần phải làm sạch đất ngay từ khâu làm đất để tránh tác nhân sâu bệnh từ giá thể trồng, cần chọn giống, cây có nguồn gốc khả năng kháng sâu bệnh tự nhiên.
Nếu ở một diện tích nhỏ có khả năng bắt thủ công.
Nếu diện tích lớn có thể dùng bẫy, thuốc trừ sâu sinh học.
- Thu hoạch hạt:
Đối với các loại hoa có thể thu quả như: cúc bách nhật, mào gà, dạ đăng, sao nhái… thu hoạch khi bao hạt ngả màu vàng, hoặc các bông hoa đã khô, tách lấy phần hạt và đem bảo quản trong lọ, túi có chống ấm, tránh mối mọt.
Trên đây là 1 số gợi ý về các loại hoa thời vụ cực kì dễ trồng trên cánh đồng và cách trồng, chăm sóc chúng. Chúc các bạn sẽ lựa chọn được các loại hoa phù hợp với từng mùa bằng các gợi ý trên.
2023. 02.18. Loctung.com
Người viết: Minhuyen
Ảnh: Sưu tầm, Internet.