Có khi nào bạn nghĩ đến sự vô lý, khi chúng ta hùng hục lấp cho đầy tất cả những ao chuôm trên mặt đất rồi lại hì hụi đắp đồi, làm thác, lắp máy bơm để gọi nước về?
Có khi nào bạn thấy tiếc những dòng nước mưa cuồn cuộn chảy, trôi tuột vào những cống rãnh, để lại cây cối ven đường chết khô chết khát trong những ngày hè nóng nực sau đó?
Có khi nào bạn thấy nhớ những chiếc ao nhỏ nở đầy hoa bèo hoa súng, những tán cây xòa bóng trên mặt nước và ếch nhái kêu uôm uôm mỗi dịp mưa về?
Có những kiến trúc sư cảnh quan đã lưu tâm đến điều đó, để cảnh quan đô thị không quá xa lạ với thiên nhiên, và để chắt chiu từng giọt tài nguyên quý giá với chúng ta: nước ngọt.
Chúng ta hãy bắt đầu với cái rãnh thu nước. Giờ đây, người ta không coi rãnh thu nước mưa là một thứ bẩn thỉu phải đậy điệm che dấu thật kỹ nữa. Một cái rãnh hở, được trang trí đẹp đẽ sẽ có tác dụng trang trí không khác một dòng suối nhỏ trong khu vườn.
Một cái rãnh hở trong vườn còn có tác dụng như nơi cung cấp nước uống cho các loại gia cầm, chim chóc, động vật nhỏ. Bạn hẳn không muốn các chú chim, chuột, sóc.., phải tìm vào nhà bạn để kiếm chút nước uống phải không?
Nếu bạn muốn nuôi cá trong rãnh thì chú ý đến độ sâu của rãnh và những hốc che nắng. Điều này làm lũ cá của bạn không bị luộc chín vào trưa hè hay lạnh cóng và mùa đông cũng như không hứng chí nhảy lên bờ khi trời mưa. Tuy nhiên rãnh sâu cũng là một nơi khá nguy hiểm với trẻ nhỏ, cần thận trọng khi thiết kế.
Một vấn đề rắc rối nhỏ là khi không có nước, cái rãnh có thể nguy hiểm cho những người đi bộ lơ đãng hoặc trẻ em. Do đó, người ta phải đặt các cảnh báo bằng vật liệu lát hay những đồ trang trí khác.
Đáy của rãnh có thể được làm kín mít để hướng dòng chảy. Trong trường hợp này, ta phải chú ý an toàn khi rãnh không có nước.
Nếu chiều dài rãnh rất lớn, người ta cũng có thể làm đáy rãnh hở để nước có thể thẩm thấu xuống tầng đất sâu hơn. Khi đó, mặt đáy rãnh có thể đổ đá cấp phối, sỏi cuội… để chống bùn hóa và cho cỏ cây có thể mọc xuyên qua.
Một cái rãnh hở đơn giản trong vườn có thể làm bằng vải nhựa và sỏi cuội như thế này.
Sau khi dùng đá cuội lớn che mép rãnh, bạn sẽ có một cái rãnh thoát nước mưa duyên dáng như một dòng suối. Điều quan trọng hơn là đảm bảo nó không bao giờ bị tắc.
Một lối đi bên hông cũng có thể thiết kế như một cái rãnh thu nước khi trời mưa. Thật là nhất cử lưỡng tiện. Bạn sẽ tiết kiệm hẳn một cái rãnh ngầm và không bao giờ lo về việc tắc cống. Chú ý rải những viên đá dậm bước. Chúng sẽ giữ cho chân bạn khô ráo vào mùa mưa, khi rãnh luôn ẩm ướt.
Để cái rãnh có thể thoát nước nhanh hơn và không bị dềnh nước khi mưa lớn, bạn có thể làm đáy rãnh bằng ống sỏi như thế này.
Chỗ cái rãnh đổ vào cống thu nước của thành phố nên có ngưỡng tràn để tránh các vật không mong muốn theo dòng nước chảy xuống cống.
Một cái ao nhỏ trong vườn cũng có thể là cái kết cho một cái rãnh. Lúc trời khô hạn, đây là vùng đất cho các loại cây ưa ẩm. Khi trời mưa, nó sẽ là nơi trữ nước và thẩm thấu dần cho các loại cây cối xung quanh.
Bạn chỉ cần chú ý bố trí cống tràn cho ao trong trường hợp mưa quá to, nước sẽ tràn qua cống để chảy vào hệ thống thoát nước của khu vực.
Quên cái áo cũ kỹ tù túng tối tăm đi, một cái ao trong cảnh quan hiện đại sẽ có hình dạng như thế này.
Đối với các diện tích rộng như sân, quảng trường, người ta có thể bố trí các mảng lát có thể thẩm thấu nước hoặc các loại gạch lỗ để tăng diện tích tham thấu và giảm tiết dien cống.
Hạt mưa là hạt ngọc. Khi nguồn nước mưa ngày càng cạn kiệt, người ta càng hiểu phải trân quý và tiết kiệm nó.
2018.07.13. Loctung.com. Ảnh Internet