Công viên tự nhiên Ming Mongkol, thiết kế bởi văn phòng kiến trúc cảnh quan Landscape Architects 49, nằm trên đại lộ Mittraphap, Thap Kwang, Kaeng Khoi, Saraburi,Thái Lan.
Một trong những xư hướng thiết kế cảnh quan phổ biếnnhất trong vòng một thập kỉ qua đó là việc tái thiết lập không gian và công năng của các khu đất bỏ hoang. Hầu hết các khu đất hoang hóa này đều có những đặc điểm riêng cần phải khắc phục và cải tạo để trở thành một công trình cảnh quan đẹp. Trong trường hợp của công viên tự nhiên Ming Mongkol, nó vốn là khu đất trồng cây ăn quả bị bỏ hoang lây ngày.
Nằm trên đại lộ Mittraphap, Thap Kwang, Laeng Khoi, Saraburi,Thái Lan, dự án Ming Mongkol là một dự án xã hội của công ty xi măng Siam City. Chủ đầu tư đặt hàng với các kiến trúc sư của văn phòng Landscape Architects 49 thiết kế lại khu đất bỏ hoang này trở thành một công viên để nâng cao nhận thức của cộng đồng về môi trường tự nhiên và ý thức bảo vệ thiên nhiên.
Họ cũng muốn công viên này giúp thúc đẩy các dịch vụ xã hội và sự tương tác với các cư dân lân cận cũng như gia tăng lượng khách du lịch và tạo ra cơ hội để mọi người tương tác với thiên nhiên– một hoạt động giải trí rất bổ ích mà rất khó để tìm thấy ở các thành phố của Thái Lan.
Các nhà thiết kế cũng rất hi vọng công viên sẽ hỗ trợ đắc lực cho các sản phẩm OTOP. Theo các nhà chuyên môn, OTOP là viết tắt của “ One tampon one product”, nghĩa là “Mỗi huyện có một sản phẩm”. Đó là một chương trình kích thích kinh doanh địa phương nhằm hỗ trợ các địa phương sản xuất và đưa vào thị trường các sản phẩm đặc trưng của mình.
Để giúp khuyến khích thị trường này, văn phòng thiết kế LA49 đã tạo ra một bản thiết kế bao gồm các hạng mục như các cơ sở dịch vụ, các nhà vệ sinh công cộng, quán cafe, cửa hàng bán lẻ, các cửa hàng bán sản phẩm địa phương và một khu vườn thảo dược. Tất cả những yếu tố này hòa hợp với nhau để tạo nên một công viên với cảnh quan bản xứ..
Công viên này cũng khuyến khích phong cách “ sống bền vững” được khởi xướng bởi quốc vương Thái Lan. Các kiosk OTOP được thiết kế một cách thẩm mỹ cùng với những yếu tố kiến trúc cần thiết. Để tạo ra được hiệu quả đó, các nhà thiết kế đã thiết kế mặt đứng các công trình để lộ cấu trúc thép bên trong, qua đó thể hiện được tính thẩm mỹ và tính bền vững của nó.
Ý tưởng về chức năng kép này cũng được truyền tải vào thiết kế cảnh quan. Ở đây, ý tưởng chính là tạo ra một không gian không chỉ mang tính trang trí đơn thuầnmà còn phải mang trong đó những giá trị văn hóa của Thái Lan bằng cách sắp đặt bố cục của công viên giống như một thành phố của Thái Lan. Để đạt được mục đích đó, các nhà thiết kế đã tạo ra một trung tâm cộng đồng và tìm cách bảo tồn các loại cây hiện có.
Bảo tồn các loại cây là một ý tưởng bền vững mà không phải chỉ có các nhà thiết kế sử dụng. Ý tưởng này xuyên suốt trong toàn bộ công viên, không chỉ trong thiết kế cảnh quan mà còn ở cách bố trí các công trình và cả trong cách bố trí các thiết bị trong công trình đó. Các tòa nhà đã được bố trí để hệ thống thoát nước bề mặt được sử dụng tối đa. Hệ thống thoát nước bề mặt này cùng với những tấm bê tông lát bề mặt được sản xuất bởi chính công ty sở hữu dự án– cho phép nước chảy ngược lại vào tầng nước ngầm. Còn các phần nước dư thừa có thể chảy về một cái ao nhân tạo.
Các nhà thiết kế cũng muốn công viên có thể sử dụng năng lượng một cách hiệu quả. Để có thể làm được điều này, họ đã sử dụng năng lượng mặt trời và năng lượng gió để cung cấp điện chiếu sáng cho toàn bộ khu đất. Năng lượng tự nhiên này cũng được sử dụng để vận hành các tuabin đẩy dòng nước chảy qua các dòng suối và cuối cùng là chảy đến một thác nước.
Ming Mongkol Green Park là một ví dụ tuyệt vời về cách mà 2 yếu tố thiên nhiên và nhân tạo có thể tồn tại cùng nhau để tạo ra một không gian mang tính bền vững, giáo dục và giàu tính văn hóa địa phương. Tất cả những thành phần không gian này mang con người đến gần với thiên nhiên hơn, tạo cho họ có ý thức bảo tồn và phát triển thiên nhiên.
Erin Tharp
Minh Đức dịch từ: http://landarchs.com