Tin tức

LẠ LÙNG CÂY XANH XỨ HUẾ: CÂY NGÔ ĐỒNG RỤNG LÁ MÙA XUÂN

Huế vốn được mệnh danh là một thành phố xanh nhưng ít ai biết để có được gia tài cây xanh đó, bao thế hệ người Huế đã dày công sưu tầm nhiều loài cây độc đáo từ châu Phi, châu Mỹ, Ấn độ, Trung Quốc… và lạ lùng thay, khi đến Huế những nguồn gen quý này đều có những biến đổi thú vị.

Ngô đồng Huế rụng lá mùa xuân

Nhiều người am hiểu văn học cổ Trung Quốc đều biết câu: Ngô đồng nhất diệp lạc/ Thiên hạ cộng tri thu (Một chiếc lá ngô đồng rụng/ Thiên hạ biết mùa thu đã đến rồi). Đó là ngô đồng bên Trung Quốc, còn ngô đồng xứ Huế thì không phải vậy, khi lá ngô đồng bắt đầu rụng cũng có nghĩa là sắp bước vào mùa xuân.

Ngô đồng Việt khác Trung Hoa như thế nào?

Trong quá trình nghiên cứu về các loài cây, chúng tôi đã tình cờ phát hiện đặc điểm thú vị này của cây ngô đồng xứ Huế. Cây bắt đầu rụng lá vào đầu xuân và đến cuối xuân thì cây trụi lá để trổ hoa. Điểm khác biệt thú vị này có thể đã làm cho ngô đồng xứ Huế “thoát thai” ra khỏi ảnh hưởng Trung Hoa, trở thành loài cây của niềm tự tôn dân tộc để các vua triều Nguyễn chọn trồng ngay trong hoàng cung của mình.

Sách Đại Nam Nhất Thống Chí của Quốc sử quán triều Nguyễn ghi lại: “Các tỉnh ven núi đều có. Đời Minh Mạng được đưa từ Quảng Đông đem về, trồng ở hai bên góc điện Cần Chánh. Lại sai biền binh đem lá lên các núi để tìm khắp, tìm được, đem trồng ở các góc điện”. Việc cho người lên núi tìm cây ngô đồng về trồng, phải chăng chính vua Minh Mạng muốn khẳng định rằng, tuy ngô đồng nổi tiếng trong huyền sử, thi ca Trung Hoa, nhưng thực tế ngô đồng đã có trong tự nhiên của nước ta. Và để khẳng định rằng ngô đồng cũng là cây của nước Việt, các vua Nguyễn đã cho khắc lá ngô đồng lên Nhân đỉnh (đỉnh thứ hai trong bộ Cửu đỉnh) đặt ở Thế miếu, tượng trưng cho sự trường tồn, giàu đẹp và thống nhất của đất nước.

Ngô đồng có tên khoa học là Firmiana simplex thuộc họ Trôm (Sterculiaceae), là cây có thân thẳng, vỏ nhẵn không gai, màu xanh xám; cành nhánh mọc ngang hơi chếch, tán gọn; lá mỏng, lớn bằng 4-5 bàn tay, có thùy ở cây non và hình tim ở cây trưởng thành; hoa đơn tính cùng cây, ở Huế hoa đực nở rộ vào khoảng cuối tháng 2 – đầu tháng 3 âm lịch sau khi rụng lá trơ cành, tạo thành một vòm tán màu tím phớt hồng đặc sắc.

LẠ LÙNG CÂY XANH XỨ HUẾ: CÂY NGÔ ĐỒNG RỤNG LÁ MÙA XUÂN

Hằng năm, cứ vào độ cuối xuân, những cây ngô đồng ở Huế lại khoe sắc, tạo nên những vòm tán tím phớt hồng điểm xuyết giữa không gian xanh vời vợi của thành Huế mộng mơ. Nhiều du khách đến Huế lỡ mùa hoa ngô đồng nở đã buông tiếng thở dài đầy tiếc nuối. Không ít người đã lập kế hoạch trở lại cố đô đúng vào mùa hoa ngô đồng nở, để được chiêm ngưỡng sắc màu quý phái của loài hoa vương giả này.

Ở nước ta, cây ngô đồng mọc tự nhiên rải rác nhưng khá phổ biến dọc dãy trung Trường Sơn. Du khách đi dọc đường Hồ Chí Minh từ Đa-krông (Quảng Trị) đến động Thiên Đường (Quảng Bình) vào mùa hoa ngô đồng nở có thể bắt gặp khá dễ.

Nhiều nhầm lẫn

Tên gọi ngô đồng bắt nguồn chữ phiên âm tiếng Trung Quốc “Wú tóng” (梧桐). Thế mà trong thực tế đã có không ít sự nhầm lẫn. Một số nơi, nhiều người đã nhầm ngô đồng với vông đồng, thậm chí ở vài thành phố, cây vông đồng được trồng làm cây cảnh quan hai bên vỉa hè đường phố vì họ cho rằng đó là ngô đồng (TP.Vinh chẳng hạn). Đây là một sự nhầm lẫn không nên có. Cây vông đồng còn được gọi là cây bã đậu, có tên khoa học là Hura crepitans thuộc họ Thầu dầu (Euphorbiaceae). Cây có tán lớn, dày; thân có rất nhiều gai; lá hình tim nhỏ bằng bàn tay, mép lá gợn sóng; quả hình bánh xe, khi chín phần vỏ quả trong hóa gỗ, khô dần rồi nứt ra phát thành tiếng (crepitans: nổ lách tách); là cây phổ biến, được người dân trồng ở ven đồng ruộng, đầu làng, trước am miếu, đền đài hoặc trồng gây bóng ở một số nơi khác.

Ngoài sự nhầm lẫn của dân gian, nhiều tài liệu về thực vật học và y dược học Việt Nam cũng đã nhầm lẫn, vô tình gây sự hoang mang cho bất kỳ ai quan tâm đến cây ngô đồng. Chẳng hạn như trong Thuốc và sức khỏe, số 204, của tác giả Phan Đức Bình (xuất bản 2002), có giới thiệu ba loài ngô đồng: (1) ngô đồng = dầu lai = dầu mè = đậu cọc rào -Jatropha curcas thuộc họ Euphorbiaceae; (2) ngô đồng – Brassaiopsis ficifolia var. ficifolia thuộc họ Araliaceae; (3) ngô đồng = tơ đồng – Firmiana simplex thuộc họ Sterculiaceae. Trong sách Tên cây rừng Việt Nam, do Vụ Khoa học và Công nghệ – Bộ NN & PTNT (xuất bản năm 2000), cũng giới thiệu ba loài ngô đồng: (1) ngô đồng – Firmiana simplex.; (2) ngô đồng đỏ – Firmiana colorata, cả hai thuộc họ Sterculiaceae; (3) ngô đồng cảnh – Jatropha podagrica thuộc họ Euphorbiaceae (loài này ở Huế gọi là cây độc bình). Tác giả Vũ Văn Chuyên trong Hỏi đáp thực vật tập 4, (XB năm 1977), đã dùng tên ngô đồng để chỉ cây độc bình Jatropha podagrica và minh họa câu “Cây ngô đồng không trồng mà mọc”.

Thật ra, cây độc bình không mọc hoang dại phổ biến như cây tơ hồng. Vì thế, câu ca dao nguyên bản này là “Cây tơ hồng không trồng mà mọc/ Gái chưa chồng anh chọc anh chơi”. Trong Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, GS Đỗ Tất Lợi (1986), cũng đã nhầm lẫn khi giới thiệu hai loài ngô đồng: (1) ngô đồng = trẩu = dầu sơn = mộc du thụ = thiên niên đồng – Aleurites montana thuộc họ Euphorbiaceae; (2) ngô đồng – Sterculiaplatanifolia thuộc họ Sterculiaceae…

LẠ LÙNG CÂY XANH XỨ HUẾ: CÂY NGÔ ĐỒNG RỤNG LÁ MÙA XUÂN

Đối với ngô đồng Huế, một loài cây vừa gắn liền với sử tích vừa cho hoa đẹp như thế nhất thiết phải được bảo tồn. Tuy nhiên, bảo tồn thế nào là vấn đề cần bàn. Trong những năm vừa qua, Trung tâm Công viên Cây xanh Huế đã nhân giống với số lượng cá thể lớn, đã đưa trồng ở một số công viên. Một vài cơ quan và tư nhân cũng trồng dần cây ngô đồng. Đó là một dấu hiệu tốt cho công tác bảo tồn, nhưng theo chúng tôi để ngô đồng thực sự là một nét duyên của Huế, chỉ nên bảo tồn cây này theo phương thức “in situ” có nghĩa là không nên mở rộng trồng nó ra khỏi khu di tích, bao gồm Đại Nội và Lăng Minh Mạng.

Kênh du lịch Huế theo Đỗ Xuân Cẩm – Bùi Ngọc Long (Thanh niên)