Tin tức

NGHỆ THUẬT TẠO HÌNH CÂY XANH TOPIARY

Khi vào trang tìm kiếm Google, gỏ từ Topiary về mục hình ảnh (images), một thế giới tuyệt diệu sẽ  hiện ra trước mắt chúng ta. Sao người ta lại tài giỏi đến thế nhỉ? Vậy Topiary là gì?

Topiary là nghệ thuật tạo hình từ cây xanh lưu niên. Nghệ thuật nầy đã có từ thời Thượng cổ và được người Hy Lạp và Rôma yêu thích. Topos tiếng Hy Lạp có nghĩa hẹp là kiểu, đề tài, hình mẫu, rộng ra là một phong cảnh thu nhỏ. Topiarius là nghệ thuật tạo hình trang trí vườn tược, công viên bằng cây xanh cắt tỉa. Vào các thế kỷ 17 trở đi, nhiều lâu đài, dinh thự ở Anh và Pháp nâng cao nghệ thuật tạo dáng nầy. Họ tuyển chọn các giống cây, làm khung kim loại tạo thành một cái cốt dựa vào đó con người sáng tác ra những hình khối mang dáng dấp cầm thú, con người, hoặc các mô hình kiến trúc hoặc trang trí khác.

NGHỆ THUẬT TẠO HÌNH CÂY XANH TOPIARY

H1. Vườn trong cung điện Verssailê - Pháp- Photograph by Rudy Sulgan, Corbis

Đến thăm những vườn hoa Âu Châu, chúng ta không khỏi kinh ngạc về việc tạo dáng cây cảnh bằng những hình khối kỷ hà, những mê cung ( labyrinth) bằng cây mà phải nhìn từ cao mới hiểu được những kiểu cách rất công phu.

Truyền thống nầy có lẽ bắt nguồn từ thưở xa xưa như Vườn treo Babylon thời thượng cổ hay các vườn thượng uyển của các Hoàng đế Trung Hoa…Rất tiếc tôi không có giờ để tìm hiểu.

NGHỆ THUẬT TẠO HÌNH CÂY XANH TOPIARY

Giáo hội công giáo thời kỳ Trung cổ qua các dòng như Benedictin Cistercien, Trappiste, Chartreux, Carmelite v.v trong khi xây dựng các công trình cũng đã điểm tô sân  tu viện, những lối đi hoặc vườn chiêm niệm (thiền)  bằng những vòm vây cắt xén tạo hình duyên dáng . Các cha xứ cũng tạo vườn rau, vườn thuốc thảo mộc và trồng hoa cảnh điểm tô khuôn viên giáo đường.

 

Topiary trở thành một nhánh đặc biệt tạo hình sinh vật cảnh. Tác giả Thanh Châu  viết về Nghệ thuật Topiary trên tạp chí Hương Sắc số 102, tháng 3 năm 2002 cho biết mấy vườn ở bang Maryland Hoa Kỳ như Công viên thú vật màu xanh ( Green animals park) ; công viên Ladew Topiary  rộng cả trăm hecta  trưng bày những hình tượng thú vật tuyệt đẹp, sống động .

NGHỆ THUẬT TẠO HÌNH CÂY XANH TOPIARY

NGHỆ THUẬT TẠO HÌNH CÂY XANH TOPIARY

Tại Việt Nam, thời xa xưa,chẳng rõ ông bà chúng ta có biết nghệ thuật nầy hay không? Chỉ biết ngày nay một số nghệ nhân vùng Cái Mơn, Chợ Lách, Bến Tre hoặc ở một số tỉnh miền Bắc từ hơn chục năm nay đã tạo dáng nhiều tác phẩm nghệ thuật tỉa cắt cây rất điêu luyện. Ngoài những hình nai,  hạc, mái đình v.v. được rao bán hàng ngày, họ còn sáng tác những mô hình độc đáo từ những long , ly, qui, phụng huyền thoại , đến những con gia cầm heo, gà ,vịt,..; từ những cánh chim trời đến 12 con giáp…

MÙA HÈ 2005, ĐI TỪ VĨNH  ĐIỆN LÊN ÁI NGHĨA, KHOẢNG TRÊN PHONG THỬ,  THẤY BÊN ĐƯỜNG MỘT ” SỞ THÚ” BẦNG CÂY CHÈ TÀU, TÁC PHẨM CỦA MỘT VỊ HƯU TRÍ, NÀO VOI, NAI, CỌP… VỘI DỪNG XE XIN GHI HÌNH, NAY NHIỀU LẦN ĐI NGANG QUA, CỐ TÌM MÀ KHÔNG THẤY NỮA… CHỦ NHÂN CÒN HAY ĐÃ QUY TIÊN? LÒNG BỔNG NGẬM NGÙI…

Thật là muôn hình vạn trạng.

Khi đi thăm miền Bắc vào thập niên 90 thế kỷ trước, tôi mê mẫn trước hai thiên thần và hình chén thánh tỉa tót từ những bụi hoa ngâu ở Đền thánh Phú Nhai hoặc hình tượng Thánh Tâm Chúa Giêsu tại khuôn viên Tòa Giám mục Phát Diệm. Như thế truyền thống cắt tỉa cây trang trí đã có mặt từ lâu trong các vùng có giáo dân công giáo trồng cây cảnh và yêu cây cảnh. Cách đây vài năm, tôi kinh ngạc trước bức tường chè tàu nổi bật hàng chữ Tòa Giám mục Ban Mê Thuột cắt xén quá đẹp khi được dự lễ tấn phong Đức Cha Vincentê.

NGHỆ THUẬT TẠO HÌNH CÂY XANH TOPIARY

CÂY CŨNG ĐẸP MÀ NGƯỜI CŨNG ĐẸP! AI HƠN AI?

XIN CÁM ƠN CHA LONG BMT ĐÃ GỬI ẢNH 10/8/2011.

NGHỆ THUẬT TẠO HÌNH CÂY XANH TOPIARY

TOPIARY CỦA ĐỨC THÁNH CHA. TẠI VATICAN.

Rất tiếc, tôi chưa đến thăm được giáo xứ Cái Mơn danh tiếng , nơi sản xuất nhiều loại trái cây chất lượng mà đứng đầu “ ngon nhất là sầu riêng Cái Mơn”. Đó là sự tiết lộ của một bà chuyên bán trái cây tại Sài Gòn trước đây. Không rõ danh hiệu ấy còn tồn tại hay không? Cái Mơn cũng là nơi sản xuất nhiều loại cây cảnh và nhất là cây tạo hình. Nghe nói mỗi năm các con giáp từ cây cảnh Cái Mơn đem lại tiền của không ít cho giáo xứ nầy. Rồng, trâu…chắc là có giá hơn chó mèo. Vậy mà một cặp chó Canh Tuất nhỏ có giá trên 5 triệu đồng…ăn đứt chó thật!

Tại miền Bắc, giáo dân Địa phận Bùi Chu rất có tài làm cây kiểng và mang bán cho cả nước. Thế nhưng khi có dịp đi thăm các địa điểm như Tòa Giám mục, các giáo xứ, các tu viện, các gia đình, tôi nhận thấy các cây kiểng rất đơn điệu…Đa số là kiểng “ cây đa làng” tuy đẹp nhưng tốn quá nhiều công sức và phải chờ đợi nhiều năm …mới thành “cổ” được. Nghe nói…giá trăm triệu, giá tiền tỷ…nghe mà ham , nhưng có bán được không thì lại là chuyện khác. Một cây kiểng cổ mấy trăm nay, một thế kỷ…phải có lịch sử hẳn hoi, giá đó hiểu được, còn “ nhại cổ” thì chỉ có hạng “ vung tiền qua cửa sổ’’ chạy theo phong trào mới ẵm về.

Tại sao các giáo xứ truyền thống nuôi trồng cây cảnh đó không làm kiểng tạo hình “công giáo” nhỉ ? Tại sao cứ chạy theo phong trào “ cổ lổ sĩ” về tư tưởng như “ tam tòng, tứ đức”, “ nhân lễ nghĩa trí tín”,  “tam cương ngũ thường”, ”long thăng, long giáng”…v.v.mà không sáng tác những đề tài Kinh thánh như vườn Địa đàng, vườn Cây Dầu, Đại lễ Giáng Sinh, Phục Sinh. Tại sao cứ chó, mèo, “ rồng chầu, hổ phục”, “ ngư tiều canh mục”…mà không có hình bò, lừa, chiên, dê, các thiên thần, mục đồng, ba vua , nai rừng bên suối nước…?

Thử tưởng tượng, vào một Đại lễ Giáng Sinh, cha quản xứ và giáo dân Cái Mơn tính toán mỗi nhà làm một vài  kiểng nhân vật hoặc thực vật, sinh vật , hang đá, chòi lá…Gần ngày đại lễ, ban tổ chức chọn một địa điểm rộng rãi, khung cảnh thiên nhiên nên thơ và tập trung các tác phẩm về. Chỉ trong một ngày, hang đá sinh nhật sinh vật cảnh Topiary xuất hiện “ đẹp không bút nào tả xiết” trên đồi cỏ mượt mà. Lúc đó, không những giáo dân họ đạo mà với phương tiện truyền thông hiện đại, nhanh như chớp, cả thế giới đều biết. Chắc chắn đơn đặt hàng sẽ  bay đến tới tấp, tôi sợ Cái Mơn không cung ứng kịp!

Cùng lúc đó tại Tòa giám mục Bùi Chu một hang đá khác với phong cách Việt Nam “ Bắc Bộ”, Mẹ Maria áo tứ thân, khăn mõ quạ, thánh Giuse áo dài khăn đóng “ chân đứng chân quỳ” đang thờ lạy Chúa Hài nhi màu xanh lá nằm trong một máng cỏ màu vàng tơ hồng, vây quanh là bò trâu, mục đồng ngồi quỳ dáng các tượng làng Tây Phương, vây quanh là rừng  “ đa làng” và kỳ hoa dị thảo…cần bán. Mới tưởng tượng đã thấy “ thèm” ! Thành công mỹ thuật…và kinh tế là cái chắc! Chưa kể niềm vui của người sáng tạo và “ lở mày lở mặt” ( nở mày nở mặt) của các Đấng Bề Trên!

Chỉ cần một công trình sáng giá như vậy là có thể tạo nên một phong trào mới Hội nhập văn hóa công giáo trong thế giới huyền ảo “ sinh vật cảnh” ngay.

Tôi có lời khuyên, các giáo xứ nên đặt mua báo Việt Nam Hương Sắc ( miền Bắc) và Hoa Cảnh ( miền Nam ) cũng như những sách báo chuyên đề với những bài viết công phu giúp các giáo dân ham thích bộ môn nầy có được những thông tin tốt hầu phát triển một nhánh mới “ sinh vật cảnh công giáo Việt Nam”, không những làm cho Giáo hội tự hào vì có nhiều nghệ nhân ưu tú mà còn đóng góp thêm một cái gì mới lạ cho nghệ thuật sinh vật cảnh Việt Nam. Trong đó Catholic Topiary ( Catholicus topiarius) ( cây cảnh tạo hình công giáo) có một đóng góp nhất định.

Quá mơ mộng chăng? Tôi không nghĩ vậy.

Ước mong các “ vườn cha sở” ( jardin des curés), các tu viện sẽ đi đầu trong phong trào nầy. Ước mong các chủng sinh cũng được “ giới thiệu nhập môn” về các ngành nghệ thuật sinh vật cảnh để khi làm linh mục họ biết quý trọng công trình các bậc cha anh đã “ đổ xương máu” ra thực hiện tô điểm. Ai cũng muốn đạt đến lý tưởng Chân Thiện Mỹ , nhưng Mỹ có lẻ dể đi vào lòng mọi dân tộc, mọi hạng người nhất. Xin ngừng tay chặt đốn những đại thụ đầy kỷ niệm vui buồn của Giáo xứ , những hàng bông hoa kiểng cảnh làm mát dịu không gian. Xin hãy từ bỏ thói lười biếng “ tưới cây”, và cái “óc hoành tráng chứa bê tông, gạch đá,  sắt thép, B40…” tạp nham. Nhà thờ mới, nhà xứ mới chụp hình trưng lên lòe loẹt…và chỉ vài năm sau nham nhở , mốc meo như một ngôi nhà hoang.

Vườn nhà thờ thế nào…đức tin giáo xứ thế ấy!

Có lẻ hơi quá nhưng qua công trình chăm sóc nhà thờ và khuôn viên nhà thờ …cũng đo được lòng mến mộ Nhà Chúa, đức tin của cha quản xứ và giáo dân. Chúng ta thua xa các tôn giáo bạn trong việc chăm lo, tu dưỡng ,làm đẹp các công trình Ki tô giáo. Thật đáng buồn khi thấy những nhà thờ tiền tỷ, nhưng sân nhà thờ đầy cỏ rác, trâu bò phóng uế vung vải, phơi rơm, rác rến dơ bẩn…Trong khi nhà cha xứ chim kêu, vượn hú, sập gụ, tủ chè ; nhà giáo dân khang trang sạch đẹp…còn khuôn viên nhà thờ nhếch nhác, chỉ cần liếc mắt qua cũng biết “lòng mộ mến nhà Chúa” như thế nào rồi!

Đây là vài ý kiến thô sơ nhưng cũng hoàn toàn nghiêm túc, mong các vị dừng lại suy nghĩ một lát.

Xin lỗi nếu có xúc phạm đến ai đó!

HỘI AN ngày 22 tháng 9 năm 2010.

Lm Antôn Nguyễn Trường Thăng.