Giờ đây, khi thế hệ bùng nổ trẻ sơ sinh "baby boomer" đều đã gìa đi, điều kiện kinh tế đã ổn định, con cái phương trưởng, rất nhiều người trong số họ mong muốn trở về quê vui thú điền viên, xây nhà thờ, từ đường…Do đó nhu cầu về xây dựng những ngôi nhà hài hòa với thiên nhiên, với làng quê Việt nam bỗng trở nên phổ biến.
Nhà mái dốc lợp ngói là giải pháp phù hợp với điều kiện khí hậu nóng ẩm mưa nhiều. Chúng vừa có vẻ ngoài truyền thống, vừa chống nước mưa, chống thấm, cách nhiệt và đảm bảo an toàn, bền vững cho ngôi nhà. Hình thức bên ngoài của nhà mái dốc lợp ngói rất đa dạng từ cổ điển đến hiện đại, từ loại, 2 mái, 4 mái, 8 mái đến hỗn hợp, loại nhà trệt, loại nhà sàn... Chúng ảnh hưởng đến không gian sử dụng, kết cấu mái và kinh phí xây dựng.
Hãy cũng Lộc Tùng tìm hiểu các loại hình thức nhà mái dốc lợp ngói để chọn ra giải pháp phù hợp với nhu cầu sử dụng và ngân sách gia đình bạn nhé.
Nhà 2 mái hình thức cổ điển
Là loại mái thẳng dốc 40-45 độ, ngói đỏ, phần mái sẽ thiết kế lớn chiếm khoảng 2/3 chiều cao mặt đứng công trình. Bờ chảy thường được xây gạch, đỉnh mái có nắm cơm ( một hình thức kết thúc của bờ chảy). Đỉnh mái được xây gạch, chính giữa có thể có hình mặt trời hoặc cuốn thư. Nhà 2 mái hình thức cổ điển kết hợp đẹp nhất với loại cửa gỗ, có ngưỡng cao. Hệ kết cấu bên trong nhà 2 mái cổ điển thường là vì kèo gỗ hoặc bê tông giả gỗ. Chúng tạo nên vẻ hài hòa trong ngoài và sự sang trọng cho nội thất, tuy nhiên giá thành xây dựng và yêu cầu tay nghề của thợ thi công rất cao.
H1. Nhà mái dốc 2 mái, 1 tầng theo kiểu cổ điển.
Nhà 2 mái hình thức hiện đại
Người ta thường gọi loại mái chữ A có đầu hồi nhô ra, tường thu hồi thẳng là mái Thái, ngói lợp đa dạng, thường có màu xám. Mái Thái có thể kết hợp với các phong cách kiến trúc thân nhà khác nhau, đặc biệt nó có thể kết hợp với các loại cửa nhôm kính rộng. Dạng mái Thái có thể áp dụng linh hoạt vào các ngôi nhà có hình khối phức tạp. Hệ kết cấu bên trong nhà 2 mái hiện đại rất đa dạng như mái bê tông lợp ngói, vì kèo thép lợp ngói ( loại 2 lớp hoặc 3 lớp). Tùy theo nhu cầu sử dụng tầng áp mái của gia chủ để chọn loại kết cấu cho phù hợp ( xem bài kết cấu nhà mái dốc lợp ngói).
H2. Nhà 2 mái 1 tầng theo kiểu hiện đại
H3. Nhà 2 mái 1 tầng, có tầng trệt theo kiểu hiện đại
Nhà 4 mái hình thức cổ điển
Là loại mái có 4 mặt dốc, ở 4 góc mái được uốn cong lên, ngói thường lợp là ngói đỏ. Phần góc mái sẽ hếch lên tạo sự thanh thoát. Bờ chảy thường được đắp vữa, trang trí gạch lá chanh hoặc có thể đặt các con kìm hoặc tạo hình mây hóa long phượng…Nhà 4 mái xưa kia hay được ứng dụng xây các công cộng có khối tích lớn, đứng giữa sân vườn rộng rãi như đình, chùa... Ngày nay, người ta thường áp dụng kiểu nhà 4 mái cho các từ đường trên khuôn viên rộng, có góc nhìn từ 4 phía. Hệ kết cấu bên trong nhà 4 mái cổ điển thường là vì kèo gỗ hoặc bê tông giả gỗ. Chúng tạo nên vẻ hài hòa trong ngoài và sự sang trọng cho nội thất, tuy nhiên giá thành xây dựng và yêu cầu tay nghề của thợ thi công rất cao.
H4. Nhà 4 mái 1 tầng theo kiểu cổ điển
Nhà 4 mái hình thức hiện đại
Từ loại 4 mái cổ được cải tiến theo phong cách hiện đại được gọi là mái Nhật. Phần mái được mở rộng theo 4 hướng, màu sắc ngói đa dạng. Bờ chảy thường dùng loại gạch bò, đỉnh mái dùng viên úp nóc chuyên dụng, kết thúc trang trí bằng hồ lô kết hợp cột thu lôi. Hệ kết cấu bên trong nhà 2 mái hiện đại rất đa dạng như mái bê tông lợp ngói, vì kèo thép lợp ngói ( loại 2 lớp hoặc 3 lớp). Tùy theo nhu cầu sử dụng tầng áp mái của gia củ để chọn loại kết cấu cho phù hợp (xem bài kết cấu nhà mái dốc lợp ngói)
H5. Nhà 4 mái 1 tầng theo kiểu hiện đại
H6. Nhà 4 mái 2 tầng theo kiểu hiện đại
Nhà 8 mái hình thức cổ điển
Mang đặc điểm của nhà 4 mái nhưng được xếp chồng thành 2 tầng như 1 tòa tháp, ở giữa có lớp cửa thông gió, phù hợp với các công trình cổ, đình, chùa, miếu… ngói thường lợp là ngói đỏ.
H7. Nhà 8 mái theo kiểu cổ điển
Hình thức mái hỗn hợp:
Các loại mái Thái khi chặt vát đầu hồi sẽ tạo thành hình thức lai giữa mái Nhật và mái Thái. Các bờ chảy thường sẽ dùng ngói bò để tạo vẻ thanh thoát. Nhà mái Thái và mái Nhật cũng có thể kết hợp với mái bằng để làm khu vực sảnh, đầu hồi, kết hợp làm seno thoát nước...
H8. Nhà mái Thái kết hợp mái bằng
H10. Mái Nhật kết hợp mái Thái.
Trên đây là tóm tắt các loại hình thức nhà mái dốc lợp ngói. Kết cấu bên trong chúng xin xem bài “Kết cấu nhà mái dốc lợp ngói”. Từ các hình thức mái cơ bản trên, ta có thể tổ hợp mái theo mặt bằng nhà để tạo ra rất nhiều hình dạng phong phú. Để có thể lựa chọn được phương án tối ưu cho ngôi nhà của bạn, hãy lựa chọn những kiến trúc sư chuyên nghiệp nhé. Chúc các bạn sớm có ngôi nhà đẹp!
2023.04.01.Loctung.com. Bài Trần Thị Thu Hà, ảnh sư tầm Interrnet
Chú thích: "Baby boomer- bùng nổ trẻ sơ sinh " là thuật ngữ chỉ thế hệ sinh ra sau chiến tranh thế giới thứ 2, từ năm 1946 đến 1964.