Xuân về cây cảnh trên hòn non bộ nảy lộc, đâm chồi mang thêm tiết xuân đến với mọi nhà. Khi ngắm ta càng cảm nhận mọi vật có sức sống và vận động không ngừng trong bức tranh sơn thuỷ hữu tình.
Non bộ là một trong những thú chơi tao nhã, thể hiện khát vọng được thưởng thức cái đẹp của thiên nhiên mùa xuân, được hoà mình vào nhịp thở của núi rừng cỏ cây, để tinh thần thanh thản hơn trong bộn bề của cuộc sống. Và, cũng khá dày công thì mới có được tác phẩm non bộ như ý.
Chọn thế núi
Non bộ là tác phẩm nghệ thuật phản ánh thiên nhiên và cuộc sống con người bằng mô hình thu nhỏ, qua bàn tay khéo léo của con người.
Nói về tính công phu của nghề làm non bộ, anh Tùng, có thâm niên trong nghề cho biết: Việc chọn thế núi là yếu tố cơ bản nhất. Thế núi thường có nhiều loại, tiêu biểu như thế “Độc phong” chỉ có một ngọn núi đơn độc, phải cao và hiểm trở, không có đồi vòng chung quanh chân núi. Thế “Song phong” khá phổ biến, gồm một núi cao và một núi thấp, nó còn mang tên phu thê hay phụ tử. “Đa phong” là thế núi có hơn hai ngọn núi nối tiếp nhau tạo ra nhiều tầng núi cao thấp. Thế “Kỳ phong” vừa cao lớn vừa tạo vẻ kỳ bí cho người thưởng thức. Thế “Cương lĩnh’ thường thấp và ngọn tà, đây là thế núi già xung quanh có nhiều đồi trọc để tạo dòng suối nhỏ chảy qua. Thế “Kỳ nham” trông như dáng voi phục hay mẹ bế con.
H1. Thế Phụ tử là một trong các thế núi phổ biến nhất
H2. Một biến thể khác của thế Phụ tử
H3. Thế Độc phong
H4. Thế Cương lĩnh
H5. Thế Kỳ nham
H6. Thế đa phong
H7, Thế Kỳ phong
Bên cạnh đó, khâu vẽ phác thảo là bước khởi đầu để tạo nên tác phẩm. Làm non bộ thích hợp nhất là loại đá san hô, thân đá mềm và xốp, đặc biệt loại đá này giữ được độ ẩm giúp cho rêu và cây cảnh trồng trên non bộ tươi tốt. Trước khi làm cần phải ngâm đá trong nước vài ngày và thay nước nhiều lần để xả hết chất mặn ngấm trong đá.
Tạo tác phẩm
Cũng theo anh Tùng, khi làm phải chọn xếp đá sao cho đúng kích thước và kiểu dáng, đúng thế gân của đá, vì non bộ muốn đẹp phải sử dụng nhiều kiểu đá khác nhau. Vách núi với đá có gân ngang sẽ tạo được thế to ngang của quả núi, đá gân dọc sẽ làm cho núi cao thêm khi nhìn vào, đá nhọn làm đỉnh núi, đá tròn to thì xếp ở chân núi. Bên cạnh việc chọn hình dáng tự nhiên của đá, còn phải dùng cưa để tạo gân và rãnh, dùng búa và đục để chặt đá to thành từng phiến nhỏ. Khi ghép đá với nhau, dùng dây kẽm để buộc và những thanh gỗ chống đỡ các phiến đá, sau đó cho ximăng để kết dính chúng lại.
H8. Hòn non bộ ghép từ đá lũa
Nguyên tắc là phải làm theo bản thảo, hoặc tuân theo sự hình thành trong trí tưởng tượng sẵn có trước đó của nghệ nhân. Hồ hay bể cạn được đúc với xi măng già để khỏi bị thấm nước, thường có hình chữ nhật, hình vuông, bầu dục, sâu hay nông, chìm hay nổi, kích thước ra sao tuỳ sở thích mỗi người. Tuy nhiên, nếu bể sâu và rộng sẽ tạo dáng đẹp, hơi nước mát giúp cho sự phát triển các loài thảo mộc trên non bộ.
H9. Hòn non bộ làm từ đá san hô
Chân non bộ có thể làm một vài hang động nhỏ để tạo cảnh và để cho cá ở sau này. Sườn núi nằm trên chân núi là phần quan trọng nhất của quả núi. Chóp núi giúp cho thế núi càng thêm hiểm trở cao vút, phần này tuy dễ làm nhưng phải gọt đẽo phiến đá cho cân đối với trái núi, vì khi nhìn vào, trí tưởng tượng của ta thường ước lượng chiều cao của quả núi, đồng thời giữa núi chính và núi phụ phải hài hòa để tạo cái đẹp tổng thể.
H10. Tạo cảnh cho hòn non bộ là công đoạn nên thơ nhất
Sau dựng núi là khâu tạo ra thác ghềnh phân bổ cây cảnh và vật trang trí, một công việc không thể thiếu khi tạo non bộ là phải bố trí sao cho hài hoà cảnh trí tự nhiên gắn với đời sống sinh hoạt của con người. Với các hình ảnh mộc mạc như cây cầu bắc ngang khe suối nhỏ; mái nhà tranh ẩn hiện dưới tán cây cổ thụ; bác tiều phu vác bó củi khô; một ngư ông đầu đội nón lá đang bình thản buông cần đợi cá; chú mục đồng ngồi thổi sáo trên lưng trâu...
Xuân về cây cảnh trên hòn non bộ nảy lộc, đâm chồi mang thêm tiết xuân đến với mọi nhà. Khi ngắm ta càng cảm nhận mọi vật có sức sống và vận động không ngừng trong bức tranh sơn thuỷ hữu tình.
2016.05.24. Bài theo http://caycanhvietnam.net/. Ảnh: Internet