Mới đây, trên các báo mạng đăng tải một đoạn video ngắn trong đó là hình ảnh các em bé Nhật Bản đang thích thú chơi đùa với một vũng nước mưa kèm theo đó là hình ảnh của một công trình trường mẫu giáo tại Nhật Bản - trường Dai-Ichi Yochien ở tỉnh Kumamoto do kiến trúc sư Hibino Sekkei thiết kế. Bất giác, từ góc độ của một người làm kiến trúc, người viết chợt nghĩ về các trường mẫu giáo ở Việt Nam và có một vài so sánh với cách các nhà quản lí và các đơn vị tư vấn thiết kế tiếp cận và giải quyết vấn đề khi xây dựng một ngôi trường mẫu giáo.
https://www.youtube.com/embed/8k3keEVA5gQ
Các em bé Nhật Bản chơi đùa với vũng nước
Sân trường mẫu giáo Dai – ichi Yochien
Nhìn vào những hình ảnh trên, những “ người lớn” chúng ta phải tự đặt câu hỏi rằng : thực sự các bé mẫu giáo cần gì ở ngôi trường của chúng, nơi mà chúng dành thời gian ở đó hàng ngày và được chúng ta cho rằng là môi trường để các bé học tập và phát triển. Có lẽ là mỗi chúng ta đều nhớ cảm giác thích thú và say mê khi được vầy nước hay được nhảy vào một bể nước để mà tha hồ nghịch ngợm. Người viết còn nhớ khi mới chỉ 4, 5 tuổi, mỗi khi căn nhà cấp 4 bị ngập nước vì mưa, với người lớn đó là một nỗi ác mộng, nhưng với trí tưởng tượng tuổi thơ, vũng nước nhỏ ở góc nhà đó là đại dương mênh mông, là dòng sông nước cuộn chảy, là nơi để lũ trẻ nhỏ thả vào đó những con thuyền giấy rồi tưởng tượng chúng đang vượt đại dương. Vậy phải chăng là lũ trẻ thích thú với những gì gần gũi với chúng một cách tự nhiên hơn là những đu quay cầu trượt trong một khoảng sân bê tông nhàm chám như những gì người ta vẫn thường làm và thường thấy.
Có thể thấy ở trường hợp trường mẫu giáo Dai – ichi Yochien, kiến trúc sư và các nhà quản lí đã hành động rất nhân văn khi tạo ra một khoảng sân nho nhỏ với nền sân được vét dốc vào giữa, tạo ra một vũng nước nhỏ xinh cho các bé chơi đùa. Theo như những gì kiến trúc sư này giới thiệu về thiết kế của mình mà bạn đọc có thể tìm hiểu, toàn bộ không gian ngôi trường này là những không gian linh hoạt, từ những không gian học tập đến không gian vui chơi, mà đa số là để phục vụ cho nhu cầu hoạt động thể chất của các bé. Không gian sân trong mà chúng ta thấy trên hình cũng là một không gian linh hoạt như vậy, mái che của sân có thể đóng mở được, làm cho khu vực sân này có thể trở thành một không gian trong nhà hay ngoài nhà một cách linh hoạt. Khi trời mưa, người ta sẽ mở mái che ra, vùng sân trũng sẽ là nơi tích nước mưa, phần nước thừa còn lại dâng cao sẽ thoát đi nhờ vào khoảng sân bên ngoài. Vũng nước nhỏ ấy sẽ là một sân chơi tuyệt vời cho lũ trẻ mà lại dễ dàng cho các cô giáo kiểm soát cho đến khi nằng nóng làm nước bốc hơi hết. Và vào mùa đông, cũng chính khoảng sân này sẽ trở thành một sân trượt bằng nhỏ cho lũ trẻ đùa nghịch.
Mặt bằng trường được tổ chức linh hoạt
Từ đây nhìn rộng ra các một số trường mẫu giáo khác ở trên thế giới, chúng ta có thể thấy rằng có một xu hướng chung của các bản thiết kế, đó là tạo ra không gian cho trẻ hoạt động thể chất, các hoạt động học văn hóa, học chữ chỉ là một nội dung thứ yếu, bởi xét cho cùng, ở lứa tuổi này, các bé vẫn cần được chạy nhảy, tiếp xúc với thiên nhiên hơn là ngồi im một chỗ tập đánh vần theo cô giáo để thuộc mặt chữ.
Một phòng học với bức tường trổ lỗ để các bé chui qua ở trường mẫu giáo Flower Kindergarten ở Hàn Quốc.
Trò chơi leo núi này giúp các bé được chạy nhảy, tằng cường khả năng vận động.
Hoặc chỉ đơn giản là một góc nhỏ để bé có một khoảng không gian riêng.
Chắc hẳn kiến trúc sư cũng đã từng là một cậu bé hiếu động và rất có tâm khi tạo ra chiếc cầu trượt này, trò chơi trượt cầu thang trở nên thú vị và an toàn hơn nhiều so với việc ngồi lên trên tay vịn.
Thêm một ý tưởng khác rất dễ làm mà lại hữu dụng, tuy nhiên cần nhắc nhở các bé không được nhảy đè lên nhau.
Góc giường ngủ này gợi nhớ về trò chơi xếp hộp các tông làm lều khi còn nhỏ, các bé hẳn sẽ rất thích thú với một không gian như thế này.
Hoặc chỉ đơn giản là đục vài lỗ trên tường cho các bé chui ra chui vào, tạo cảm giác như đang khám phá một hang động huyền bí.
Như vậy, có thể thấy rằng, trong các thiết kế trường mẫu giáo hiện đại, việc tạo ra các không gian để cho các bé phát triển thể chất cũng quan trọng không kém việc tạo ra những không gian lớp học truyền thống. Nhìn lại đa số các trường mẫu giáo công lập của Việt Nam, đa phần có thiết kế theo một mô típ là một không gian kiến trúc cơ bản kết hợp với một vài hình trang trí màu mè, thiếu tính sang tạo và cũng không hề thu hút với cả người lớn hay các em bé.
Trong quá trình thiết kế và xây dựng, có nhiều yếu tố chi phối chủ đầu tư và các kiến trúc sư để cho ra đời một công trình tốt, tuy nhiên, với những ý tưởng nho nhỏ như vậy, có lẽ không cần người chủ đầu tư phải bỏ ra quá nhiều chi phí hay không yêu cầu các nhà thiết kế cần phải đầu tư chất xám, điều cần thiết duy nhất là trái tim thực sự yêu trẻ và một chút tham khảo, học hỏi từ bạn bè quốc tế.
Rất may mắn rằng, thời gian gần đây, đã có nhiều tín hiệu tích cực đến từ những ngôi trường có nguồn vốn tư nhân và những người thiết kế thực sự có tâm huyết, cho ra đời một số thiết kế không gian trường mẫu giáo hướng đến học sinh hơn. Có thể kể ra đây một ví dụ tiêu biểu là trường mầm non xanh ở Đồng Nai do kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa thiết kế. Ngôi trường này đã làm thay đổi tư duy của dư luận về cách tổ chức không gian trường mẫu giáo. Ngoài ra còn rất nhiều các trường mẫu giáo tư nhân khác, với triết lí giáo dục hiện đại, cũng có những không gian rất thú vị cho trẻ.
Không gian của trường mầm non xanh ở Đồng Nai, các bé có thể chạy lên mái nhà để chơi đùa trong các bãi cỏ xanh trên mái.
Hi vọng rằng, với những tín hiệu tích cực đầu tiên này sẽ góp phần làm thay đổi tư duy của các nhà quản lý giáo dục, để chúng ta có thêm nhiều ngôi trường mẫu giáo khác, dành cho các bé một tuổi thơ được vui chơi, được tiếp xúc với thiên nhiên, được vận động, thay vì chỉ bó buộc trong những phòng học với những bài học đánh vần nhàm chán.
2016.05.10. Bài Minh Đức- Ảnh- Interrnet